Bê tông tươi ăn mòn Nhôm thanh định hình trong quá trình thi công xây dựng và lắp đặt là thực trạng xảy ra khá nhiều tại một số công trình hiện nay. Vì sao lại xảy ra hiện tượng này và làm cách nào để bảo vệ Nhôm thanh khỏi sự ăn mòn của Bê tông tươi ? Nếu bạn đang quan tâm vấn đề này thì đừng bỏ qua những thông tin bên dưới.
Vì sao Bê tông tươi ăn mòn Nhôm thanh ?
Trong phản ứng hóa học, Nhôm có phản ứng với Kiềm (thành phần hóa học chứa nhóm OH), thường có trong: bê tông, xi măng, vữa,… Khi hai hợp chất này tiếp xúc nhau sẽ tạo ra phản ứng khí Hydro. Để giải thích cho hiện tượng Bê tông tươi ăn mòn Nhôm thanh sau khi tiếp xúc trong vòng 24 tiếng, nguyên nhân là bởi trong quá trình thủy hóa, xi măng sẽ sản sinh ra sút khoáng Ca(OH)2 và độ ẩm cao. Cộng thêm sự xâm nhập của CO2 khiến nhiệt lượng trong quá trình thủy hóa bê tông ngày càng tăng dần và dẫn đến hiện tượng Cacbonat hóa.
Thông tin từ Concrete Construction Magazine (Tạp chí chuyên ngành xây dựng bê tông tại Hoa Kì) cũng cho biết: Bê tông tươi ăn mòn Nhôm bằng việc giải phóng Hydro, và điều này khiến các sản phẩm Nhôm bị oxi hóa một cách “đáng thương”. Sự hiện diện của thành phần Clorua trong Bê tông tươi sẽ càng làm tăng tốc độ ăn mòn Nhôm. Từ đó, dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng đối với các sản phẩm từ Nhôm thanh như: Cửa nhôm, Mặt dựng nhôm, Vách kính nhôm,…
Làm cách nào Bê tông tươi không ăn mòn Nhôm trong xây dựng ?
Trong xây dựng, việc để các sản phẩm Nhôm tiếp xúc bê tông tươi là đốt cháy giai đoạn và không đúng kĩ thuật. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để bảo toàn cho các sản phẩm từ Nhôm thanh không bị ăn mòn, đó là chỉ lắp đặt sản phẩm khi phần Bê tông đã khô hoàn toàn. Như vậy, cả Bê tông lẫn sản phẩm Nhôm cũng sẽ đạt được tuổi thọ lâu dài trong quá trình sử dụng. Bởi nếu để Nhôm và Bê tông tươi tiếp xúc nhau, không chỉ Nhôm bị ảnh hưởng, mà cả Bê tông cũng sẽ bị xốp hơn, do sự giải phóng Hydro.
Nhôm thanh làm cửa bị ăn mòn vì bê tông tươi
Tài liệu về kĩ thuật xây dựng từ New York State Department Of Transportation, Region 9 Construction Group (Bộ Giao thông Vận tải Bang New York, Nhóm Xây dựng) nhận định rằng: Bê tông không được tiếp xúc với bất kì hợp kim Nhôm nào trong quá trình vận chuyển và lắp đặt.
Tuy nhiên, trong trường hợp buộc phải để Nhôm tiếp xúc với Bê tông (trường hợp bất khả kháng) thì Nhôm thanh cần phải được quấn một lớp bảo vệ, để hạn chế tình trạng ăn mòn xuống mức thấp nhất. Tại diễn đàn eng-tips.com (diễn đàn chuyên ngành kĩ thuật và xây dựng), các thành viên cũng đã đưa ra giải pháp Nhôm nên được cách ly bằng một lớp mạ thích hợp khi buộc phải tiếp xúc với Bê tông.
Nhìn chung, cách tốt nhất để các sản phẩm từ Nhôm thanh không bị ăn mòn bởi Bê tông tươi trong quá trình xây dựng và thi công lắp đặt, chính là KHÔNG để chúng tiếp xúc với nhau khi Bê tông chưa khô hoàn toàn.
Tóm lại, hiện tượng Bê tông tươi ăn mòn Nhôm thanh định hình hoàn toàn có xảy ra nếu để chúng tiếp xúc nhau. Điều đó một lần nữa khẳng định chất lượng của Nhôm thanh sẽ không bị ảnh hưởng, nếu được bảo quản đúng cách trong quá trình xây dựng và lắp đặt. Song song đó, tuân thủ đúng quy tắc trên từng giai đoạn trong xây dựng là cách giúp cho cả Nhôm và Bê tông đạt được sự bền bỉ và mang lại hiệu suất công năng cao trong quá trình sử dụng.
Nguồn tin tham khảo:
https://www.concreteconstruction.net/concrete-production-precast/how-does-contact-with-aluminum-affect-concrete_o
https://www.dot.ny.gov/divisions/engineering/structures/repository/events-news/2016_LBC_session_4-1.pdf
https://www.eng-tips.com/viewthread.cfm?qid=407349